Trong thời gian giãn cách xã hội mọi người thường dành nhiều thời gian để làm những món ăn tuyệt vời cho người thân và sẽ thật thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua một hoạt động rất vui và đem lại nhiều hạnh phúc cho cả người làm lẫn người ăn đó là các loại bánh. Khác với các món truyền thống để làm bánh chúng ta sẽ cần bộ dụng cụ chuyên dụng để đảm bảo tuân thủ công thức bánh. Vậy bộ dụng cụ làm bánh cơ bản bao gồm những gì? Tầm quan trọng và công dụng cụ thể ra sao sẽ được có trong bài viết dưới đây.
Để có được kết quả hoàn hảo, người vào bếp cần phải thực hiện đúng các công thức với tỷ lệ phù hợp, tuy nhiên điều đó vô cùng khó khăn nếu chung ta không sở hữu những dụng cụ làm bếp chuyên dụng. Trên thực tế, dụng cụ làm bánh vô cùng đa dạng, từ hình dáng, kích thước cho đến mẫu mã, chủng loại và chất liệu tạo thành cụ thể:
#1. Lò nướng – Oven
Trên thực tế, một số loại bánh sẽ rất ngon mà không cần dùng đến lò nướng như mousse, mug cake, flan, pancake… tuy nhiên, nếu bạn thực sự làm việc trong môi trường bếp bánh chuyên nghiệp thì lò nướng là một trong những dụng cụ làm việc quan trọng nhất và tuyệt đối không thể thiếu.
Lò nướng hiện có 2 loại là lò âm và lò dương. Lò âm tức được đóng âm vào tường hay tủ bếp, nướng bánh bằng lò âm sẽ cho ra nhiệt đều hơn, sử dụng an toàn (do có cơ chế cách nhiệt mặt kính, tức sơ ý chạm tay vào cũng không bị bỏng) và bền hơn nhưng giá thành cũng vì thế mà cao hơn (thường trên 10 triệu đồng) – còn lò dương thì có thể di chuyển qua lại giữa các vị trí, đặt trên mặt bàn nhưng nhiệt tỏa ra thường không đều và đôi khi xuất hiện các sự cố nhỏ liên quan đến nhiệt, giá thành vừa phải, thường từ vài trăm đến vài triệu.
Bạn có thể tham khảo giá và chất lượng lò của các hãng như: Sanaky, Gali hay Homepro nếu muốn mua lò dương; Electrolux, Teka, Fagor hay Bosch nếu muốn mua lò âm.
Về thể tích, nếu không gian bếp nơi bạn làm việc đủ rộng, hãy mua những lò nướng có thể tích rộng từ 50L trở lên. Thể tích lớn giúp nướng được nhiều thứ cùng một lúc, đồng thời giúp đồ nướng không quá gần thanh gia nhiệt, nhất là những loại bánh “nhạy cảm” với nhiệt độ, từ đó giảm tình trạng bánh nứt mặt, nở cao rồi xẹp xuống hoặc cháy mặt. Tuy nhiên, nếu không gian bếp không quá lớn, hãy mua lò có thể tích rộng từ 35L trở lên, loại này cũng sẽ cho nhiệt độ nướng ổn định hơn và làm bánh chất lượng hơn.
#2. Dụng cụ đánh trứng
Bao gồm:
• Phới lồng – Whisk: dùng trộn bột, đánh tan trứng và các nguyên liệu làm bánh khác
• Máy đánh trứng – Electric mixer: có 2 loại là: máy đánh trứng cầm tay (hand mixer) đi kèm 2 que đánh trứng và 2 que xoắn để nhồi bột; giá thành rẻ (khoảng từ vài trăm nghìn) nhưng công suất nhỏ, nhồi bột sẽ nặng và mất sức hơn; có thể chọn mua các nhãn hàng như Philips, pensonic… và nên chọn loại có công suất từ 300W trở lên – máy đánh trứng để bàn (stand mixer) có công suất cao hơn máy cầm tay do đó giúp nhồi bột nhanh và dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian hơn nhưng giá thành lại cao hơn (khoảng từ vài triệu); có thể chọn mua các nhãn hàng như Kitchen Aid, Kenwood…
Gợi ý đọc thêm : TOP 5 DỤNG CỤ NHÀ BẾP TRUYỀN THỐNG MANG HƠI THỞ HIỆN ĐẠI
#3. Cân điện tử/ Cân nhà bếp – Kitchen scale
Để đảm bảo chiếc bánh ngon, hoàn chỉnh và chuẩn vị, bạn bắt buộc phải làm đúng theo công thức, tức chính xác từng tỉ lệ và liều lượng. Hãy sử dụng cân, thường là cân điện tử vì có mức cân được chia nhỏ nhất có thể; hoặc dùng cân để bàn nếu muốn cân những loại nguyên liệu từ 0,5 kg đến 1 kg hoặc 2 kg. Hiện nay, một số cân điện tử có cả các đơn vị cân như ounce (oz), pound (lb) hay tare (trừ bì), tức có thể đặt bát/ ca đựng nguyên liệu lên trên, điều chỉnh kim về 0 rồi mới cho nguyên liệu lên cân.
#4. Bộ thìa, cốc đong
Bao gồm thìa nhỏ/ thìa cà phê (teaspoon), thìa lớn/ thìa canh (tablespoon), thìa đong (measuring spoon) để đong những nguyên liệu nhỏ như bột nở, vani; cốc đong (measuring cups) để đong chất lỏng như sữa, nước… Sử dụng bộ dụng cụ này kết hợp với cân điện tử giúp đảm bảo nguyên liệu được đong chính xác hơn. Nên lưu ý mua những thìa, cốc đong bằng nhựa tốt hoặc kim loại để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc bị biến dạng khi dùng đong những nguyên liệu được đun nóng như bơ đun chảy, sữa hâm nóng…
#5. Rây bột – Sieve
Dùng rây đều các nguyên liệu như bột, đường… bị vón cục là một dụng cụ làm bánh không thể thiếu.
#6. Phới trộn bột – Spatula
Spatula là dụng cụ làm bánh có hình dạng giống chiếc xẻng, được làm bằng nhựa tốt hoặc silicon giúp trộn bột, phết kem, vét thành/ đáy âu sạch và gọn hơn, tiết kiệm thời gian và nguyên liệu; gồm 2 loại là thìa spatula cán nhựa và thìa spatula đúc.
#7. Khuôn bánh – cake pan
Có khuôn liền nhiều lỗ và khuôn rời, được làm bằng kim loại hoặc silicon; giúp bánh thành phẩm có hình dạng đều, vuông vức và làm bánh đẹp mắt hơn.
#8 Găng tay cách nhiệt – Oven mitts
Giúp bảo vệ đôi tay của bạn khỏi sức nóng của nhiệt độ. Nhiều người vẫn hay dùng giẻ, khăn để thay thế nhưng điều này là không nên. Găng tay cách nhiệt tốt sẽ giúp lấy bánh ra dễ dàng, nhanh chóng và an toàn hơn, tránh vì nóng quá mà làm rơi bánh ra ngoài hay xuống đất gây hư hỏng. Khi mua găng tay cách nhiệt, hãy chọn loại càng dày càng tốt, độ dài của găng tay trùm lên cánh tay càng cao càng tốt vì đôi khi bạn sẽ phải thò tay vào trong lò để chỉnh bánh.
#9. Giấy bạc – Kitchen foil
Giấy bạc giúp truyền nhiệt cho đồ nướng mà không làm cháy bề mặt, giúp mặt bánh không bị vàng quá hoặc gần thanh nhiệt gây nứt mặt bánh, làm bánh chín mềm và không bị khô
#10. Giấy nướng/ Giấy nến – Parchment paper
Giấy nướng giúp bánh không bị dính vào khuôn để lấy ra dễ dàng.
#11. Cốc giấy cupcakes
Dùng nhiều khi làm bánh cupcakes hay muffins là loại dùng 1 lần, vừa giúp bóc bánh dễ dàng vừa trang trí làm bánh đẹp mắt
#12. Túi bắt kem
Dùng để trang trí bánh, được cắt đầu túi nhỏ để viết chữ hoặc cắt to hơn để bắt kem tròn; nên dùng túi bắt kem dùng 1 lần để đảm bảo vệ sinh và chất lượng kem.
#13. Đui sao bắt kem
Giúp tạo nên hình thù đẹp mắt như hình hoa hồng làm bánh đẹp và bắt mắt hơn.